Trung Quốc, nước sản xuất tới một nửa thép thô toàn cầu, đã giảm 100 triệu tấn công suất sản xuất – tương đương tổng sản lượng hàng năm của nước láng giềng Nhật Bản – và giảm 30% xuất khẩu chỉ trong 2 năm vừa qua.
Xuất khẩu sản phẩm thép từ Trung Quốc
Những điều đó đã giúp đẩy tăng giá thép thế giới.
Giá thép cuốn nóng trung bình tại Đông Á đã tăng từ mức đáy 300 USD/tấn của tháng 2/2016 lên 555 USD/tấn tháng 9/2017, cao nhất kể từ năm 2014. Loại thép này có giá cao bởi nhu cầu mạnh từ nhiều nhà sản xuất.
Giá thép cuốn nóng trung bình tại Đông Á
Thép Trung Quốc cũng không còn tràn ra thị trường nước ngoài nhiều như trước nữa bởi khoảng cách giữa cung và cầu trên thị trường nội địa hẹp dần. Mặc dù sản lượng trong 6 tháng đầu năm 2017 cao kỷ lục lịch sử nhưng xuất khẩu lại giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái xuống mức thấp nhất 3 năm, chỉ khoảng 40 triệu tấn. Xuất khẩu giảm 16 triệu tấn trong nửa đầu năm nay tương đương với gần 20% tổng xuất khẩu của các thị trường sản xuất thép lớn ở Đông Á bao gồm Nhật Bản, Trung Quốc lục địa, Hàn Quốc và Đài Loan thuộc Trung Quốc.
Nhu cầu thép tại Trung Quốc nửa đầu năm 2017 tăng mạnh nhờ Chính phủ tăng cường đầu tư cho cơ sở hạ tầng thêm 20% lên khoảng 5,9 nghìn tỷ nhân dân tệ (892 tỷ USD).
Phó chủ tịch Hiệp hội Sắt Thép Trung Quốc cho biết nhu cầu thép nước này dự kiến sẽ tăng 3%-4% trong cả năm 2017, với lượng tiêu dùng nhiều hơn so với dự kiến.
Trung Quốc đã nhận thấy cần phải tái cơ cấu lại các cơ sở sản xuất quốc doanh và giảm công suất sản xuất. Mặc dù thực hiện điều này rất khó, bởi có thể ảnh hưởng tới việc làm cũng như kinh tế ở một số địa phương.
Tái cơ cấu chủ yếu tập trung vào việc loại bỏ các cơ sở dư thừa. Năm 2016, Bắc Kinh đã thông báo kế hoạch giảm công suất khoảng 100 triệu đến 150 triệu tấn – tương đương khoảng 10% tổng lượng tiêu thụ của nước này vào năm 2020. Kế hoạch đang mang lại hiệu quả khả quan, với việc giảm được 65 triệu tấn trong năm 2016 và khoảng 42 triệu tấn từ đầu năm 2017 đến nay.
Hãng sản xuất thép quốc doanh lớn của Trung Quốc, Baosteel Group, năm ngoái đã thông báo cho nhân viên tại nhà máy ở Thượng Hải rằng sẽ đóng cửa nhà máy. Nhà máy này đã hoạt động từ những năm 1930, đã từng được xem như một nhà máy điển hình và đã tồn tại qua nhiều thế hệ lãnh đạo của Trung Quốc, trong đó có Mao Trạch Đông.
Ngày 22/9 vừa qua các cửa của nhà máy đã được đóng lại, chỉ còn 2 nhân viên bảo vệ.
Việc cắt giảm công suất không chỉ để loại bỏ khối lượng dư thừa mà còn nhằm bảo vệ môi trường, xoá bỏ những cơ sở sản xuất nhỏ gây nhiều ô nhiễm và xây dựng những tập đoàn lớn trong ngành.
Vì vậy song song với cắt giảm công suất, Trung Quốc cũng tích cực giải quyết vấn đề chất lượng các sản phẩm thép kém chất lượng do được sản xuất từ phế liệu. Sản lượng théo loại này hàng năm vào khoảng 50 triệu tấn. Trong 6 tháng đầu năm nay vấn đề này đã cơ bản được giải quyết bằng cách đóng cửa những cơ sở sản xuất thép kiểu này.
Công suất sẽ còn giảm thêm nữa bằng cách đóng cửa thêm nhiều nhà máy và áp dụng nhiều biện pháp khác. Bộ Công nghiệp và Thông tin Trung Quốc đã gửi lên Chính phủ danh sách 70 hãng sản xấu thép không đạt các tiêu chuẩn quốc gia.
Tuy nhiên công suất thép của Trung Quốc vẫn dư thừa 200 triệu tấn, do đó thế giới đang chờ xem chính quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tiếp tục cải tổ ngành thép như thế nào trong thời gian tới.
Sản lượng thép thô toàn cầu năm 2016 đạt 1,6 tỷ tấn. Trung Quốc mỗi năm sản xuất khoảng 800 triệu tấn, nhưng ở thời điểm cuối 2015 công suất lên tới hơn 1,1 tỷ tấn. Phó chủ tịch Hiệp hội Sắt Thép Trung Quốc cho biết, mặc dù nỗ lực cắt giảm công suất dư thừa nhưng sản lượng thép nước này năm nay có thể tăng lên 840 triệu tấn, từ mức 808 triệu tấn năm 2016, thông tin từ Thomson Reuters cho biết.
Với hiệu quả giảm 100 triệu tấn trong số 300 triệu tấn dư thừa chỉ trong vòng 2 năm qua, dự kiến việc giảm tiếp 200 triệu tấn còn lại sẽ được thực hiện mặc dù sẽ gặp không ít khó khăn